BÀI THUYẾT TRÌNH

Thiên mười tám: VI TỬ

1. Sơ lược về Khổng Tử: (孔 子)
- Khổng Tử (551- 479 T.C.N), cuối thời Xuân Thu. Khổng Tử sinh ra thuộc gia đình quý tộc đã sa sút nên ông nghiêng về tầng lớp bình dân. Khổng Tử là nhà tư tưởng, nhà văn hóa, nhà giáo dục lớn.
- Khổng Tử luôn cho nhà Tây Chu là một mẫu mực, ông lấy quá khứ làm khuôn mẫu cho xã hội bấy giờ. Chế độ phong kiến Trung Hoa lúc bấy giờ đang trên đà đi xuống trầm trọng, Khổng Tử không thể hình dung xã hội nào khác ngoài xã hội phong kiến. Tuy nhiên, Khổng Tử cũng khát vọng đào tạo một giai cấp mới là kẻ sĩ để giúp quý tộc trị nước.
- Trong lời bàn của Khổng Tử đến với các học trò, ông đã xây dựng một học thuyết hoàn chỉnh có hệ thống về nhiều mặt: chính trị, đạo đức, giáo dục, ... tất cả được thâu gọn trong Luận Ngữ:
+ Về phương diện chính trị, Khổng Tử chủ trương nhà cầm quyền dùng “Đức để trị” nhằm cảm hóa nhân dân, khiến nhân dân phục tùng sự cai trị của mình. Khổng Tử yêu cầu mỗi con người sống trong xã hội phải biết làm đúng vai trò của mình, phải “chính danh” để có thể trị nước.
+ Về đường lối tổ chức, theo Khổng Tử phải biết “ cử hiền tài” để cai trị đất nước.Và lí tưởng chính trị cao nhất của Khổng Tử chính là đề cao một thế giới “đại đồng”.
Có thể nói, Khổng Tử có cống hiến to lớn cho nhân loại, học thuyết của ông trở thành cốt lõi của nền văn hóa phương Đông.
2. Tác phẩm Luận Ngữ: (論 語)
- Luận Ngữ (論 語) có nghĩa trực tiếp là “bàn về lời nói”. Luận ngữ là lời bàn bạc của Khổng Tử với các học trò xưa về nhiều vấn đề.
- Luận ngữ lưu hành do Chu Tử chương cú tập chú gồm 10 quyển, lời lời đều nói sâu sắc đến các phương diện lớn lao của việc học tập, giáo dục, đào tạo làm người. Văn chương súc tích trác việt, tinh túy nhưng vẫn sinh động.
- Luận ngữ có 20 thiên, mỗi thiên chia làm nhiều chương. Tên các thiên thường lấy 2 chữ đầu của nội dung thiên đó mà dặt.
- Luận ngữ viết theo thể ngữ lục (ghi lại lời nói), cho nên từ đầu đến cuối là những đoạn ngắn, các thiên tách rời không có hệ thống bố cục chặt chẽ.
3. Thiên Vi Tử: (微 子)
Thiên Vi tử (微 子) là một trong 20 thiên trong tác phẩm Luận ngữ (論 語), nằm ở vị trí thiên thứ 18, thiên này có 11 chương. Nội dung chủ yếu là bàn về điều Nhân, về cuộc đời một số hiền tài ẩn cư, và một số vấn đề về chính trị. Từ đó, đề cao giá trị làm người, đề cao những bài học chính trị sâu xa mà người quân tử phải học tập để giúp sức cho đất nước. Đây là một thiên ngắn trong các thiên của Luận ngữ, nhưng có giá trị cao. Sau đây, tôi xin trình bày sơ lược các nội dung của thiên:
3.1. Điều Nhân: (仁) thể hiện rõ nhất trong 2 chương đầu tiên của thiên này.
Chương 1:
微 子 去 之.箕 子 為 之 奴;比 干 諫 而 死. 孔 子 曰:殷 有 三 仁 焉.
1.Vi tử khứ chi. Cơ tử vi chi nô; Tỉ Can gián nhi tử. Khổng Tử viết: “ Ân hữu tam nhân yên”.
Tạm dịch: Vi Tử bỏ mà đi ; Cơ Tử bị làm nô ; Tỉ Can vì can gián vua mà bị giết. Khổng Tử nói: “ Nhà Ân có ba người Nhân ”.
Ở chương này, Khổng Tử nói đến 3 người nổi tiếng của nhà Ân là Vi Tử 微 子, Cơ Tử 箕 子,Tỉ Can 比 干. Ba người này đều là thân thích trong hoàng tộc của vua Trụ. Vi Tử 微 子là anh của vua Trụ, vì thấy nhà Thương sắp diệt vong, can gián vua Trụ nhiều lần nhưng vua Trụ không tiếp thu bèn bỏ đi. Cơ Tử 箕 子là hàng chú bác của vua Trụ, thấy vua Trụ dâm loạn bạo ngược, từng nhiều lần can ngăn nhưng vua không nghe, bèn xõa tóc giả điên làm nô lệ, bị Trụ bỏ tù. Tỉ Can 比 干cũng thuộc hàng chú bác của vua Trụ, vì nhiều lần khuyên ngăn vua Trụ mà bị vua mổ tim mà chết. Cả ba vị này đều vì điều Nhân仁 mà làm vậy. Nhân仁ở ba con người này chính là sự dũng cảm, dám hi sinh bản thân mình để can gián vua, khuyên ngăn vua trước những cám dỗ. Nhân仁 ở đây còn là lòng trung với vua với nước, vì sự nghiệp đất nước vì nhân dân mà họ dám quên mình, hi sinh bản thân, hi sinh địa vị vương tộc cao quý của bản thân để can gián, khuyên ngăn vua trở về với triều chính. Cả ba người này đáng là tấm gương tiêu biểu cho các hiền sĩ, các bậc quân tử noi theo.
Chương 2:
柳 下 惠 為 士 師, 三 黜. 人 曰: 子 未 可 以 去 乎? 曰:直 道 而 事 人, 焉 往 而 不 三 黜? 枉 道 而 人, 何 必 去 父 母 之 邦.
2. Liễu Hạ Huệ vi Sĩ sư, tam truất. Nhân viết: “ Tử vị khả dĩ khứ hồ? Viết: “ Trực đạo nhi sự nhân, yên vãng nhi bất tam truất? Uổng đạo nhi nhân, khả tất khứ phụ mẫu chi bang.”
Tạm dịch: Liễu Hạ Huệ làm quan Sĩ sư, nhiều lần bị phế chức. Có người nói: “ Ông sao còn chưa bỏ nước mà đi?” Ông đáp rằng: “ Tôi noi theo lẽ thẳng mà phụng sự người, thì đi đến đâu mà chẳng bị truất phế nhiều lần? Còn nếu theo lẽ cong mà thờ người, thì hà tất phải bỏ nước của cha mẹ mà đi?”
Ông Liễu Hạ Huệ 柳 下 惠 làm quan Sĩ sư tức là quan đầu sở ngục tụng ở nước Lỗ, ông nhiều lần bị phế chức do bản tính ngay thẳng của mình. Thật đúng như lời ông nói, sự ngay thẳng của kẻ làm quan để giúp dân giúp nước luôn luôn gặp sự trở ngại. Ông ra làm quan, lấy Đức để trị người, lấy nhân nghĩa để bảo vệ cho công lí. Nếu theo lẽ cong mà giúp vua thì chẳng xứng làm quan. Đây cũng là một tấm gương Nhân nghĩa, ông lấy điều nhân để thờ vua giúp dân đó là điều đáng quý của Liễu Hạ Huệ 柳 下 惠. Trong chương này còn bao hàm cả chính trị, người làm chính trị phải biết dùng Đức德 để trị người, hiền tài biết dùng đức thì sẽ giúp cho việc tốt cho vua, kẻ làm quan biết dùng đức thì bảo vệ được dân, giúp ích cho đất nước. Đây cũng là điều hay mà Khổng Tử muốn truyền đạt tới đệ tử của mình.
3.2. Một số vấn đề về chính trị: thể hiện hầu hết các chương còn lại trong thiên Vi Tử微 子:
Chương 4:
齊 人 歸 女 樂,季 桓 子 受 之,三 日 不 朝.孔 子 行.
4. Tề nhân quĩ nữ nhạc, Quý Hoàn Tử thụ chi, tam nhật bất triều.Khổng Tử hành.
Tạm dịch:Vua nước Tề tặng một đội nữ nhạc. Qúy Hoàn Tử nhận đội nữ nhạc. Ba ngày vua không thiết triều. Khổng Tử bèn bỏ chức mà đi.
Lúc này Khổng Tử đang làm chức Tư Khấu (tổng trưởng bộ Hình)và kiêm chức Tể tướng, làm cho nước Lỗ rất cường thịnh. Nước Tề ở giáp ranh nước Lỗ lo sợ oai thế của Khổng Tử nên dùng mỹ nhân kế. Vua quan nước Tề tuyển một bọn 80 mỹ nữ cho ăn mặc rất xuê và tập ca hát khiêu vũ, định đem cống hiến vua Định Công nước Lỗ. Họ phô tài ở cửa thành phía Nam nước Lỗ, ông Qúy Hoàn Tử là nhà đại phu quyền thần ra xem ca vũ và xúi nhà vua thâu nhận, vua phái Qúy Hoàn Tử thay mình tiếp nhận. Vua mãi vui say yến tiệc và ca vũ , trong ba ngày vua chẳng ngự ra triều. Kế đó, đến kỳ tế lễ vua chẳng hiến phần thịt cho quan. Lấy cớ nhà vua thất lễ, đức Khổng Tử bỏ chức quan mà đi. Âý là năm thứ 14 đời vua Định Công (496 T.C.N). Đây là một thủ đoạn chính trị khéo léo của vua nhà Tề trước sự cường thịnh của nước Lỗ. Với sự nhu nhược yếu hèn của vua Lỗ, trước sự cám dỗ của mỹ nhân, vua Lỗ bê trễ việc triều chính, lòng quan khâm phục, lòng dân oán thán. Sự vô độ của vua nước Lỗ làm Khổng Tử bất lực và chán chường, bao nhiêu công sức xây dựng của Khổng Tử đối với một triều đại đang trên đà sụp đổ. Ở chương này có nói đến sự ra đi của Khổng Tử khi bất lực trước sự hồ đồ của vua nước Lỗ, cho thấy nước Tề đã “bắn một tên trúng hai đích”, Khổng Tử rời bỏ nước Lỗ thì nước Lỗ sẽ suy yếu và đất nước của Tề vương được bảo toàn. Bởi vậy, bậc quân tử khi ra làm chính trị rất khó vượt qua ải mỹ nhân. Vua nước Tề đã đánh vào tâm lý của vua quan nước Lỗ. Đây cũng là một nghệ thuật chính trị của vua các nước lúc bất giờ, đơn giản mà hiệu quả rất cao. .
Chương 5:
楚 狂 接 輿 歌 而 過 孔 子 曰: 鳳 兮 鳳 兮 何 德 之 衰,往 者 不 可 諫,來 者 猶 可 追.已 而 已 而, 之 從 政 者 殆 而. 孔 子 下, 欲 與 之 言 . 趨 而 避 之.不 得 與 之 言.
5.Sở cuồng Tiếp Dư ca nhi quá Khổng Tử, viết: “ Phượng hề! Phượng hề! Hà đức chi suy! Vãng giả bất khả gián, lai giả do khả truy. Dĩ nhi! Dĩ nhi! Kim chi tùng chính giả đãi nhi.”
Tạm dịch: Nhà hiền triết ẩn sĩ nước Sở là Tiếp Dư đi qua trước xe của Khổng Tử mà hát rằng: “ Chim phượng ơi! Chim phượng ơi! Sao mà đức hạnh suy đồi! Quá khứ không ngăn được. Tương lai còn kịp thôi. Thôi đi! Thôi đi! Đời này, người ra làm chính trị thật là nguy hiểm”. Khổng Tử xuống xe toan nói chuyện với cuồng sĩ. Nhưng cuồng sĩ đã rảo bước tránh đi. Khổng Tử không nói chuyện được với cuồng sĩ.
Người cuồng sĩ ở nước Sở này tương truyền ông xõa tóc giả điên, tự cày mà ăn không chịu ra làm quan, Sở vương sai sứ giả đem trăm nén vàng đến mời ông ra cai trị đất Hà Nam, nhưng ông thay tên đổi họ đi đâu chẳng ai biết. Trong thiên này có nhắc đến việc ông chế giễu Khổng Tử bằng bài “ Phượng hề ca”, từ chối trò chuyện với Khổng Tử. Ông ra ở ẩn không chịu làm quan bởi ông biết xã hội bấy giờ “ đức hạnh suy đồi ”mọi người đều chạy theo tiền bạc, ngay vị vua cai trị đất nước cũng chịu sự chi phối tiền bạc “ đem trăm nén vàng mời ông ra cai trị đất Hà Nam ”, như thế thì đất nước làm sao tránh khỏi vòng vây của đồng tiền?. Khổng Tử đề cao quá khứ mà tiêu biểu là nhà nước Tây Chu, Khổng Tử cho đó là mẫu mực của xã hội phong kiến, nhưng theo cuồng sĩ thì quá khứ đó đâu đủ để ngăn lại được những gì đang diễn ra trong xã hội naỳ “往 者 不 可 諫”(vãng giả bất khả gián). Cuối cùng ông cũng khuyên Khổng Tử, việc làm chính trị ở thời điểm này rất nguy hiểm, không thể nào cứu vãn được gì!
Chương 6:
長 疽 桀 溺 耦 而 耕. 孔 子 過 之 使 子 路 問 津 焉.長 疽曰:夫 執 輿 者 為 誰?子 路 曰: 為 孔 丘. 曰: 是 魯 孔 丘 輿? 曰: 是 也. 曰: 是 知 津 矣.
問 於 桀 溺, 桀 溺 曰: 子 為 誰? 曰: 為 仲 由. 曰: 是 魯 孔 丘 之 徒 與? 對 曰: 然. 曰: 滔 滔 者 天 下 皆 是 也. 而 誰 以 易 之? 且 而 與 其 從 避 人 之 士 也. 豈 若 從 避 世 之 士 哉? 耰 而 不 輟.
子 路 行 以 告. 夫 子 憮 然 曰: 鳥 獸 不 可 與 同 避!吾 非 斯 人 之 徒 與, 而 誰 與? 天 下 有 道, 丘 不 與 易 也.
6. Tràng Thư, Kiệt Nịch ngẫu nhi canh. Khổng Tử quá chi sử Tử Lộ vấn tân yên. Tràng Thư viết: “Phù, chấp dữ giả vi thùy?” Tử Lộ viết: “Vi Khổng Khâu”.Viết: “Thị Lỗ Khổng Khâu dư?” Viết: “Thị dã”. Viết: “Thị tri tân hỹ”.
Vấn ư Kiệt Nịch,Kiệt Nịch viết: “Tử vi thùy?” Viết: “Vi Trọng Do”. Viết: “Thị Lỗ Khổng Khâu chi đồ dư? Đối viết: “Nhiên”. Viết: “Thao thao giả thiên hạ giai thị dã, nhi thùy dĩ dịch chi? Thả nhi dữ kỳ tùng tị nhân chi sĩ dã. Khởi nhược tùng tị thế chi sĩ tai?” Ưu nhi bất chuyết.
Tử Lộ hành dĩ cáo. Phu tử vũ nhiên viết: “Điểu thú bất khả dữ đồng tị! Ngô phi tư nhân chi đồ dữ, nhi thùy dữ? Thiên hạ hữu đạo, Khâu bất dữ dịch dã.
Tạm dịch: Tràng Thư, Kiệt Nịch cùng chung sức cày ruộng. Khổng Tử đi qua đó, sai Tử Lộ hỏi thăm bến đò. Tràng Thư nói: “Này, người cầm cương trên xe kia là ai?” Tử Lộ đáp: “Là Khổng Khâu”. “Là Khổng Khâu nước Lỗ phải không?” “Phải”. “Phải thì ông ấy biết bến đò rồi”.
Hoỉ Kiệt Nịch, Kiệt Nịch hỏi: “Ông là ai?”. “Là Trọng Do”. “ Có phải là đệ tử của Khổng Khâu nước Lỗ chăng?”. “Phải đó”. “Khắp thiên hạ đều loạn lạc như nước chảy cuồn cuộn, các ngươi cùng chung sức với ai mà đổi đời loạn lạc ra đời trị? Ngươi đi theo kẻ sĩ tị nhân sao bằng đi theo những kẻ sĩ tị thế?”. Vẫn tiếp tục gieo hạt chẳng ngừng tay.
Tử Lộ đi thuật lại với Khổng Tử. Khổng Tử ngậm ngùi: “Người ta không thể làm bạn với cầm thú! Nếu ta chẳng sống chung với người thì sống chung với ai?. Nếu thiên hạ thái bình thì ta đã chẳng cùng các ngươi đi mưu sự sửa đổi!”.
Tràng Thư長 疽, Kiệt Nịch桀 溺 là hai ẩn sĩ thời Xuân Thu. Thiên này chép Khổng Tử đi chu du liệt quốc, từng sai Tử Lộ đi hỏi thăm bến đò với Tràng Thư長 疽, Kiệt Nịch桀 溺 đang cày đôi với nhau. Với thời cuộc loạn lạc bấy giờ những người tâm công lo cho đất nước cũng phải bất lực mà lui về, vua thì vô độ, quan thì cửa quyền, dân cơ cực lầm than thì làm sao có thế thay đời loạn ra đời trị được. Ở đây, hai vị ẩn sĩ muốn tìm đường giải thoát cho Khổng Tử trước sự thế khó bề rung chuyển, với sức mạnh ít ỏi vậy Khổng Tử có thể làm gì đây?. Theo họ lánh người chi bằng lánh đời sống ẩn dật không màng chính sự “且 而 與 其 從 避 人 之 士 也. 豈 若 從 避 世 之 士 哉?( Thả nhi dữ kỳ tùng tị nhân chi sĩ dã. Khởi nhược tùng tị thế chi sĩ tai? ). Nhưng theo Khổng Tử không sống chung với người thì sống chung với ai?. Nếu đời mà thái bình thì cần gì phải mưu sự sửa đổi? “吾 非 斯 人 之 徒 與, 而 誰 與? 天 下 有 道, 丘 不 與 易 也”(Ngô phi tư nhân chi đồ dữ, nhi thùy dữ? Thiên hạ hữu đạo, Khâu bất dữ dịch dã.)Với Khổng Tử, việc đời loạn lạc thì càng cần tới việc sửa đổi để mang đến thái bình. Khổng Tử muốn đem đạo của mình để thay đổi hoàn cảnh. Đó là nguyện vọng và ước mơ của Khổng Tử về một đất nước thái bình thịnh trị, dân yên ổn không lo toan chuyện gì!
Chương 7:
子 路 從 而 後,遇 丈 人 以 杖 荷 篠.子 路 問 曰:子 見 夫 子 乎?.
丈 人 曰: 四 體 不 勤, 五 榖 不 分, 孰 為 夫 子? 植 其 杖 而 芸.子 路 拱 而 立. 止 子 路 宿. 殺 雞 為 黍 而 食 之;見 其 二 子 焉.
明 日, 子 路 行 以 告. 子 曰: 隱 者 也. 使 子 路 反 見 之. 至 則 行 矣. 子 路 曰: 不 仕 無 義. 長 幼 之 節, 不 可 廢 也 君 臣 之 義, 如 之 何 其 廢 之? 欲 潔 其 身, 而 亂 大 倫. 君 子 之 仕 也, 行 其 義 也. 道 之 不 行, 已 知 之 矣.
7. Tử Lộ tòng nhi hậu, ngộ trượng nhân dĩ trượng hà điều. Tử Lộ vấn viết: “Tử kiến phu tử hồ?” Trượng nhân viết: “Tứ thể bất cần, ngũ cốc bất phân, thục vi phu tử?”. Thực kỳ trượng nhi vân, Tử Lộ củng nhi lập. Chỉ Tử Lộ túc. Sát kê vi thử nhi thực chi; kiến kỳ nhị tử yên.
Minh nhật,Tử Lộ hành dĩ cáo. Tử viết: “Ẩn giả dã”. Sử Tử Lộ phản kiến chi. Chí tắc hành hỹ. Tử Lộ viết: “Bất sĩ vô nghĩa. Trưởng ấu chi tiết, bất khả phế dã quân thần chi nghĩa, như chi hà kỳ phế chi? Dục khiết kỳ thân, nhi loạn đại luân. Quân tử chi sĩ dã, hành kỳ nghĩa dã. Đạo chi bất hành, dĩ tri chi hỹ.
Tạm dịch:Tử Lộ đi theo thầy nhưng rớt lại đằng sau, gặp một lão trượng quảy cái bừa cỏ trên đầu gậy. Tử Lộ hỏi: “Cụ có thấy thầy tôi không?” Lão trượng nói: “Tay chân lười biếng, lúa ngô chẳng biết. Ai là thầy của ngươi?”. Nói đoạn, ông cắm gậy xuống đất và bừa cỏ. Tử Lộ chắp tay mà đứng. Ông lão mời Tử Lộ ở lại nghỉ đêm. Ông giết gà làm cơm mà đãi; lại đưa hai người con trai ra mắt.
Hôm sau, Tử Lộ ra đi và thuật lại chuyện với Khổng Tử. Khổng Tử nói: “Đó là một ẩn sĩ”. Sai Tử Lộ trở lại thăm lão trượng. Đến nơi, ông lão đã đi vắng. Tử Lộ nói: “Không ra làm quan là không có nghĩa. Lễ tiết giữa người lớn với kẻ nhỏ còn không thể bỏ có thể nào bỏ nghĩa vua tôi? Muốn giữ sạch thân mình, mà làm trái đạo lớn nhất trong ngũ luân. Người quân tử ra làm quan là để thi hành cái nghĩa lớn đó. Đạo chẳng thi hành được thì chúng ta vốn đã biết rồi.
Đoạn này nói đến việc chu du liệt quốc của Không Tử và các học trò từ nước Sở đi qua nước Thái. Đến đây Tử Lộ bị lạc ở phía sau và gặp một ông lão đang quảy cái bừa cỏ trên đầu gậy “遇 丈 人 以 杖 荷 篠” (ngộ trượng nhân dĩ trượng hà điều), ông lão là một ẩn sĩ dưới thời Xuân Thu không rõ họ tên. Ở đât thuật lại cuộc trò chuyện giữa Tử Lộ và ông lão. Ông cho rằng người ta phải biết làm ruộng mà ăn, khi con người ta chẳng biết phân biệt các giống lúa thì làm sao biết đâu là thầy mình? Một ẩn sĩ ẩn dật khi họ không màng gì tới sự đời thế nào. Ông lão tiếp đãi Tử Lộ chu đáo, sai các con mình ra chào hỏi Tử Lộ, điều này chứng tỏ ông là một con người có lễ tiết. Từ những việc làm của ông lão khiến Tử Lộ phân vân: “長 幼 之 節, 不 可 廢 也 君 臣 之 義, 如 之 何 其 廢 之?” (trưởng ấu chi tiết, bất khả phế dã quân thần chi nghĩa, như chi hà kỳ phế chi?), giữa người lớn và kẻ nhỏ ông còn biết giữ lễ tiết thì làm sao có thể bỏ đi nghĩa vua tôi hàng đầu cơ chứ. Sự thế biến loạn, kẻ làm quan thanh liêm không thể đối diện với hiện thực xã hội, kẻ thì phải hi sinh thân mình, người tiếp tục đấu tranh, kẻ phải ẩn dật lánh sự đời. Tử Lộ cho việc mai danh ẩn tích của các vị ẩn sĩ bất lực cuộc đời là trái với luân thường, kẻ có nghĩa , có lễ tiết trước hết phải làm tròn bổn phận của mình với vị quân chủ, ra làm quan để thực hiện cái nghĩa vua tôi “欲 潔 其 身, 而 亂 大 倫. 君 子 之 仕 也, 行 其 義 也” (Dục khiết kỳ thân,nhi loạn đại luân.Quân tử chi sĩ dã,hành kỳ nghĩa dã). Theo tôi đây cũng là một tư tưởng tiến bộ về việc làm chính trị, làm người của Tử Lộ ( học trò Khổng Tử). Song để giữ được lòng trung, giữ nghĩa quân thần trong luân thường đạo lý thì phải xem người quân tử đang thờ phụng ai? Và trong hoàn cảnh như thế nào?
Chương 8:
逸 民 伯 夷, 叔 齊, 虞 仲, 夷 逸, 朱 張, 柳 下 惠, 少 連. 子 曰: 不 降 其 志, 不 辱 其 身, 伯 夷 叔 齊 與?
謂 柳 下 惠 少 連: 降 志, 辱 身 矣. 言 中 倫, 行 中 慮: 其 斯 而 已 矣.
謂 虞 仲, 夷 逸: 隱 居, 放 言: 身 中 清, 廢 中 權.我 則 異 於 是.無 可 無 不 可.
8. Dật dân Bá Di, Thúc Tề, Ngu Trọng, Di Dật, Châu Trương, Liễu Hai Huệ, Thiếu Liên. Tử viết: “Bất giáng kỳ chí, bất nhục kỳ thân, Bá Di ,Thúc Tề dư?”
Vị Liễu Hạ Huệ, Thiếu Liên: giáng chí, nhục thân hỹ. Ngôn trúng luận, hành trúng lự: kỳ tư nhi dĩ hỹ.
Vị Ngu Trọng, Di Dật: ẩn cư, phóng ngôn, thân trúng thanh, phế trúng quyền. Ngã tắc dị ư thị vô khả vô bất khả.
Tạm dịch:Xưa nay những người hiền đi ẩn dật có Ba Di, Thúc Tề, Ngu Trọng, Di Dật, Chu Trương, Liễu Hạ Huệ, Thiếu Liên. Khổng Tử nói: “Chẳng hạ chí mình, chẳng nhục thân mình là Bá Di, Thúc Tề chăng?
Liễu Hạ Huệ và Thiếu Liên phải hạ chí mình, phải nhục thân mình. Song lời nói hai ông hợp với luân lí, việc làm của hai ông trúng với điều suy nghĩ của dân, chỉ có thế mà thôi.
Ngu Trọng, Di Dật thì ở ẩn và nói năng phóng túng; nhưng giữ mình trúng lẽ thanh khiết, và phế bỏ đúng lẽ quyền biến. Ta thì khác với mấy ông ấy, chẳng có gì được, cũng chẳng có gì là không được.
Khổng Tử đang giới thiệu đến các bậc hiền sĩ có tài giúp dân giúp nước. Bá Di 伯 夷, Thúc Tề 叔 齊 là con của vua nước Cô Trúc 孤 竹 , Bá Di là con trưởng, họ Mặc Thai 墨 胎 . Xưa vua Cô Trúc lập con thứ là Thúc Tề làm người thừa kế, khi vua Cô Trúc chết Thúc Tề muốn nhường ngôi cho anh nhưng Bá Di không nhận, cuối cùng cả hai đều bỏ đến đất Chu. Sau khi đến đó, họ phản đối Chu Vũ Vương tiến quân thảo phạt nhà Thương. Sau khi Vũ Vương diệt Thương, họ trốn đến núi Thủ Dương 首 陽, không chịu ăn thóc nhà Chu, chết đói ở đó. Liễu Hạ Huệ 柳 下 惠, Thiếu Liên少 連 tuy phải hạ mình nhưng điều đó là vì dân, họ hạ mình vì phục vụ nhân dân vì quyền lợi của người dân trong xã hội bấy giờ. Ngu Trọng虞 仲, Di Dật夷 逸 thì ở ẩn phóng túng nhưng họ luôn biết hiểu mọi lí lẽ của sự đời, họ phóng túng nhưng không sai lệch. Đó là những nét đáng quý của những hiền sĩ ở ẩn nổi tiếng. Còn với Khổng Tử, ông khiêm tốn là mình chẳng có gì là được và chẳng có gì là không được “我 則 異 於 是.無 可 無 不 可”.(Ngã tắc dị ư thị vô khả vô bất khả), tức là Khổng Tử khẳng định bản thân mình chưa làm được điều gì cả. Khổng Tử đề cao những tấm gương sáng của các hiền sĩ, họ ở ẩn nhưng không phải họ không làm gì cả. Họ ẩn dật nhưng tinh thần và mọi việc làm của họ vẫn luôn hướng về nhân dân về cuộc đời biến loạn cần sự thay đổi. Ở đây, Khổng Tử khiêm tốn với bản thân mình trước các tấm gương sáng của các ẩn sĩ.
Chương 10:
周 公 謂 魯 公 曰: 君 子 不 施 其 親, 不 使 大 臣 怨 乎 不 以. 故 舊 無 大 故, 則 不 棄 也.無 求 備 於 一 人.
10.Chu Công vị Lỗ Công viết: “Quân tử bất thi kỳ thân, bất sử đại thần oán hồ bất dĩ. Cố cựu vô đại cố, tắc bất khí dã. Vô cầu bị ư nhất nhân.
Tạm dịch:Chu Công bảo với Lỗ Công rằng: “Người quân tử không ruồng rẫy người thân của mình, không để cho các đại thần oán trách vì không dùng đến họ. Những bạn bè quen biết cũ nếu chẳng có lỗi lớn thì không bỏ họ. Không đòi hỏi một người có đủ mọi tài.
Ông Chu Công là em của vua Võ Vương, có công giúp Võ Vương lập ra nhà Chu, nên được Thiên tử đem nước Lỗ mà phong tặng cho con cháu tập hưởng với tước công. Ông Chu Công khi đưa con mình là Bá Cầm đi lãnh quyền Lỗ Công cai trị nước Lỗ, thì ân cần dặn dò con mình những điều trên. Ông muốn Lỗ Công phải biết làm chính trị đúng mực đúng thời cơ và hợp lòng người. Làm chính trị phải biết dùng người,theo đường lối tổ chức chính trị của Khổng Tử thì cai trị đất nước phải biết “cử hiền tài”. Tùy vào năng lực khả năng của từng người mà tuyển chọn họ vào vai trò thích hợp. Ông Chu Công cho rằng người cai trị đất nước trước hết không ruồng bỏ người thân của mình “君 子 不 施 其 親” (Quân tử bất thi kỳ thân), đó chính là việc làm tròn bổn phận của mình trong một gia đình, và vua phải là người biết giữ được điều đó. Thứ nữa là phải luôn quan tâm tới những trọng thần để họ không oán trách mà sinh lòng phản loạn. Và cũng một chuẩn mực trong quan hệ đối xử với bạn bè, nếu họ không có lỗi lớn cũng không bỏ họ “故 舊 無 大 故” (Cố cựu vô đại cố), nếu quá cứng nhắc mà quay đầu lại với họ thì sinh ra bất tín, một khi bất tín thì chẳng mưu sự được gì cho đất nước. Cuối cùng là việc dùng người “無 求 備 於 一 人.”(Vô cầu bị ư nhất nhân), không cầu người nhiều tài mà chỉ cần họ có một tài là đủ rồi, tùy vào sở trường của họ mà bố trí vị trí phù hợp với họ. Như vậy, có thể thấy Chu Công là một người có tài về chính trị, ông rất khéo léo trong việc khuyên dạy Lỗ Công trước khi nắm giữ đất Lỗ. Đây là một cách làm chính trị hay, không chỉ có tác dụng ở xã hội lúc bấy giờ mà giá trị của nó còn được đánh giá cao ở thời đương đại.
Nói tóm lại, thiên Vi Tử 微 子chủ yếu giới thiệu đến các gương hiền triết ẩn sĩ mai danh ẩn tích tránh xa cuộc đời hỗn loạn, vua quan không còn làm đúng chức danh của mình trong xã hội. Qua đó là những bài học giá trị đạo đức chính trị cao quý, cách làm người và các quan hệ giữa người với người .Vi Tử 微 子còn nhắc đến điều Nhân仁 giá trị chuẩn mực mà Khổng Tử nhắc đến trong tác phẩm Luận Ngữ (論 語) . Đan xen vào đó là những bài học chính trị, nghệ thuật chính trị mà các nhà biện sĩ, các vị quan lúc bấy giờ thi hành. Việc làm chính trị có thể trực tiếp hay gián tiếp nhưng đều thể hiện được cái hay và sự sáng tạo của họ. Tất cả tạo nên một bức tranh sống động về xã hội bấy giờ mà chúng ta đáng phải ngẫm nghĩ về thực trạng xã hội phong kiến Trung Hoa, học hỏi những tấm gương cao quý đáng trân trọng. Đó cũng chính là mục đích khi của mỗi con người khi đọc đến Luận Ngữ (論 語).

(Nam Hoa)

        Vào năm 2012, tôi có ghé chùa Bửa Quang nằm ở đoạn Kim Long (đường lên chùa Linh Mụ) và biết đến bản "Phật Thuyết Đại Báo Phụ Mẫu Ân Trọng Kinh" được viết vào năm Bảo Đại thứ 17 (năm Nhâm Ngọ), tuy bản kinh không có niên đại lâu lắm. Nhưng xét thấy có ý nghĩa và phù hợp cho các bạn đọc quan tâm muốn nghiên cứu nên tôi đăng bản chụp toàn bộ bản kinh lên để bạn đọc được xem và nghiên cứu! Kính đề (Nam Hoa) 
Ninh Hòa ngày 27/11/2014
âm lịch (7/10/Giáp Ngọ)